Để tránh bài quá dài, Teer sẽ tách series Secondary Research này thành 2 phần
– Phần 1: 5 nguồn thông tin có sẵn khi làm nghiên cứu thị trường thứ cấp.
– Phần 2: 6 bước quy trình Nghiên cứu thị trường thứ cấp.
Teer sẽ cập nhật Phần 2 ở cuối bài 1 bên dưới nhen.
1. Ủa, Secondary Research hay Desk Research là gì? Trường hợp nào cần làm Secondary Research?
Secondary Research hay còn gọi vui là Desk Research. Đúng như tên gọi của nó, Team mình có thể hiểu nôm na là phương pháp nghiên cứu tại chỗ, chỉ cần ngồi bàn giấy tìm và phân tích các thông tin sẵn có. Nghe có vẻ dễ hé Team, thật ra thì:
– DỄ ở đây là dễ thở về mặt thời gian thu thập thông tin do Team có thể chủ động về mặt lên kế hoạch cũng như các nguồn dữ liệu nào có sẵn.
– Còn KHÓ ở đây chính là Lượng thông tin quá nhiều và Không thể xác định được độ tin cậy của những dữ liệu đó.
Lạ há Team, dữ liệu nhiều thì tốt chứ sao lại là cái khó?
Thật ra, khi dữ liệu nhiều quá ta sẽ thường rơi vào tình huống mơ hồ, không xác định lấy cái nào, bỏ cái nào, hoặc tất cả đều lấy. Điều này thường dẫn đến sự hỗn loạn và thiếu chắc chắn trong lập luận cũng như đề xuất ở giai đoạn Team làm Báo cáo nghiên cứu về sau.
Rùi tiếp theo nè, khi nào cần thiết làm Secondary Research?
Google thử Team sẽ thấy có ít nhất 125.000 kết quả tìm kiếm cho câu hỏi này, nhưng khi đọc vào thì đa phần lạc đề và trang nào cũng na ná nhau.
Thực tế, trong quá trình hơn 10 năm làm Nghiên cứu thị trường và Tư vấn chiến lược cho các tập đoàn, có 2 trường hợp hay gặp bắt buộc Teer phải làm Secondary Research hay Nghiên cứu thứ cấp là:
– Thứ nhất: ta không thể làm Primary Research vì đủ thứ lý do trên đời như không đủ thời gian, không đủ chi phí hoặc thậm chí là cần nghiên cứu thị trường ở một quốc gia khác. Đây là trường hợp bất khả kháng.
– Thứ hai: ta cần phải tối ưu hóa hiệu suất dự án nghiên cứu, cả về mặt chất lượng lẫn kinh phí thông qua việc làm Desk Research để định hướng cũng như thu hẹp phạm vi nghiên cứu của Primary Research.
Còn chi tiết về khái niệm của 2 loại hình nghiên cứu (Secondary vs Primary) này, Team chịu khó đọc thêm ở loạt bài Teer viết hùi trước nhe. (Link)
Tiếp sau đây Teer sẽ trình bày một cách cô đọng nhất các bước thực hiện Secondary Research, cũng kèm theo các ví dụ minh họa để Team dễ hình dung.
2. Tìm dữ liệu của phương pháp nghiên cứu thị trường này ở đâu? Một số gợi ý của Teer
Trước khi đi chi tiết vào các bước nghiên cứu, ta cùng điểm nhanh qua 5 nguồn thông tin Team có thể tận dụng để thu thập thông tin. Tất nhiên là phần lớn trong số này đều có thể tiếp cận Online
Các sản phẩm dịch vụ hiện có sẵn trên thị trường của đối thủ
Nguồn đầu tiên cũng là một trong 2 nguồn thông tin dễ tiếp cận nhất là nguồn thông tin về các sản phẩm, dịch vụ hiện có sẵn trên thị trường của các đối thủ cạnh tranh.
Đầu tiên ta cần phải xác định rõ ràng đâu là sản phẩm, dịch vụ sẽ trực tiếp cạnh tranh chính của sản phẩm, dịch vụ mà Team nghiên cứu, và công ty chủ quản hay đối thủ trực tiếp là những ai. Đây là bước rất quan trọng để tập trung nguồn lực nghiên cứu (nhân lực, thời gian…) hiệu quả nhất, tránh dữ liệu thu thập được lan man.
Xác định được rồi, thì giờ ta bắt đầu đi tìm các nguồn thông tin đó. Thường thì Teer sẽ chọn lọc các nguồn thông tin có thể cung cấp được 2 dữ liệu quan trọng:
– Các thế mạnh cũng như ưu nhược điểm quan trọng nhất của chúng (USPs – Unique Selling Points). VD: website công ty, các bài báo giới thiệu sản phẩm, các bài PR/ Reviews từ người nổi tiếng…
– Các nhận xét đánh giá từ người dùng thực tế.
Lý do chúng ta cần phải thu thập các đánh giá từ người dùng để xác định được đâu là các USPs thật sự trong mắt người tiêu dùng, đâu là các thế mạnh được thổi phồng từ đối thủ. Để từ đó khi thiết kế sản phẩm, ta sẽ biết đâu là nơi ta cần tập trung phần lớn nguồn lực.
Hiện tại, nơi đơn giản và dễ nhất để thu thập các đánh giá từ người dùng chính là các SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ như Shopee, Lazada, Tiki.
Teer lấy ví dụ đơn giản như sản phẩm giảm căng thẳng cho mí em mèo, Teer tình cờ thấy quảng cáo khi lướt Shopee. Nhìn vào review ta thấy, USP của sản phẩm không phải là các lợi ích lý tính (functional benefits) mà sản phẩm đem đến, thay vào đó là yếu tố dịch vụ chăm sóc khách hàng mà chủ shop đem đến.
Điều này hầu hết sẽ đúng cho các ngành hàng lớn hay đã bảo hòa, nơi sản phẩm của các thương hiệu đa phần na ná nhau về mặt chức năng sản phẩm.
Các nghiên cứu công ty đã làm trước đây
Rồi sang nguồn này thì Team đã quá quen rùi ha, chỗ này Teer chỉ nhắc lại chút thui. Ông bà có nói ‘Biết ta, biết người thì 100 trận 100 thắng’. Nên trước hết Team cứ lục lọi lại các nghiên cứu hay tài liệu mà công ty đã làm trước đây.
Điều này không chỉ giới hạn ở các phòng ban Marketing mà sẽ mở rộng ra cả các phòng ban chuyên môn khác, nhất là các bộ phận về sản phẩm. Tin Teer đi, Team sẽ không ngờ được mình sẽ tìm được những thứ hay ho, mà không ai chủ động nói cho mình nghe đâu. Các thông tin này chắc chắn là những mảnh ghép bắt buộc để định hình mục tiêu nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu cũng như tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, vật lực cho mình về sau này.
Đây là nguồn dễ tiếp cận thứ 2 và rất đáng tin cậy nha.
Các công ty nghiên cứu thị trường
Rồi nguồn thứ 3 và cũng là nguồn chuyên sâu nhất Team có thể tiếp cận để lấy thông tin là các bài viết công khai của các công ty nghiên cứu thị trường đang hoạt động tại Việt Nam.
Khi tiếp cận các nguồn này, lưu ý đặc biệt là Team nhất định lúc nào cũng phải tự đặt ra câu hỏi cho mình:
“Dữ liệu này có chính xác không, đáng tin không vậy?”
Một trong các ví dụ điển hình để định hướng người đọc, ở đây là Team mình á, theo hướng mà người làm nghiên cứu (Teer gọi là Researcher) mong muốn là sử dụng các Base khác nhau.
Vậy Base trong nghiên cứu thị trường là gì?
Trong nghiên cứu thị trường, Base hiểu nôm na là nền tảng căn cứ để researcher tính ra các giá trị % nhằm thể hiện độ lớn, mức độ tăng trưởng, tương quan giữa 2 tập nào đó…
Do đó, khi base thay đổi, giá trị % cũng sẽ thay đổi và tất nhiên, kết quả đọc dữ liệu lúc này cũng thay đổi tuốt.
Hãy luôn NGHI NGỜ tất cả số liệu mà Team tìm được, nếu không, nhiều khả năng kết quả của nghiên cứu Desk Research mà Team làm sẽ bị biased rất nhiều và không sử dụng được đâu.
(Biased: là thuật ngữ ám chỉ kết quả nghiên cứu không còn khách quan mà chỉ dựa vào các yếu tố duy ý chí của Researcher).
Ở Việt Nam hiện tại, có 5 công ty nghiên cứu thị trường lớn thường xuyên chia sẻ các báo cáo nghiên cứu của họ. Trong đó có 3 tập đoàn nghiên cứu thị trường toàn cầu và 2 công ty khác:
Các báo cáo của Q&Me và Decision Lab, Team google cái là ra hà. Để tránh bị Google bóp truy cập, Teer không dám để quá nhiều link trong bài viết.
Đặc biệt khi đọc báo cáo của Q&Me và Decision Lab, Team nhất định phải lưu ý phần dữ liệu để đảm bảo mình sử dụng dữ liệu khách quan nhất nha.
Các tổ chức chính phủ
Các tổ chức chính phủ thì phần lớn là các Website có đuôi .gov.
Khi tìm đến các nguồn thông tin từ chính phủ này, đa phần Teer đang cần các số liệu thống kê về dân số như Cơ cấu nhóm tuổi, Trung bình tuổi lao động, tuổi kết hôn cũng các tập thông tin chia theo vị trí địa lý khác.
Các thông tin này hầu hết đều có trên Website của các Cục thống kê. Tùy theo địa phương làm nghiên cứu ở khu vực nào, Team có thể tìm cụ thể ở địa phương đó.
Cứ google hết là ra hà, cụm tìm kiếm có thể là ‘cơ cấu tuổi ở [địa phương] năm 2022’ chẳng hạn. Rồi chọn website của Cục thống kê tỉnh đó.
Một trong các tip tìm kiếm chỗ này là Teer sẽ thường đọc trước các thông tin được tóm tắt ở các đầu báo chính thống như Thanhnien, Tuoitre…rồi bắt đầu chọn ra các dữ liệu cần thiết để tiền hành tìm kiếm chuyên sâu hơn bên website Cục thống kê.
Các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận
Ở Việt Nam hiện tại, các nguồn thông tin từ Cơ quan, Tổ chức phi lợi nhuận được công khai còn tương đối hạn chế cả về số lượng, chất lượng lẫn độ tin cậy.
Nên thường Teer sẽ tìm ở các nguồn ở nước ngoài, mà chủ yếu nhất là nguồn từ Ngân hàng thế giới (Worldbank).
Team mình bạn nào chưa rành tiếng Anh có thể chịu khó đọc trên trình duyệt Chrome để có thể dùng trực tiếp chức năng Dịch tự động của Google để lọc thông tin (cứ lick chuột trái là thấy chức năng Translate/ Dịch tự động đó hà). Tuy hơi cực chút nhưng đảm bảo thông tin chính xác với độ tin cậy cao. Nếu có câu hỏi gì, Team cũng có thể liên hệ trực tiếp tác giả bài viết để gởi mail hỏi thêm cũng được.
CÁC BÁO CÁO NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM KHÁC
Secondary research – 5 bước QUY TRÌNH nghiên cứu thị trường thứ cấp
Tổng hợp 6 bước tự làm Nghiên cứu thị trường trong Marketing
ACTION, PLEASE!!
Kiến Thức Nên Có Giá Trị Của Nó.
Chiếc Web có đăng ký Google Adsense. 1 Click vào Quảng Cáo trên web là Google sẽ thay Team trả Teer 100 đồng tiền công cho hơn 3 tiếng đồng hồ Soạn thảo, Tổng hợp, Viết và Đem một bài gần 2,000 từ đến Team. Cảm ơn Team mình. ⤵️⤵️⤵️