Dựa trên mô tả công việc (JD – Job Description) tuyển dụng của 3 công ty lớn Lazada, Tiki, Bosch và KMS Technology, Teer nhận thấy những CV Marketing Intern đủ khả năng vượt qua sàng lọc CV cần phải có những điểm nhấn nổi bật trong từng mục bên dưới.
Và nhấn thế nào để nổi và bật hơn những CV khác thì cùng Teer tìm hiểu nhé.
I. Yêu cầu hay gặp trong cv Marketing intern:
1. Tổng hợp thông tin thị trường & cập nhật xu hướng
– Ở vai trò Intern, việc tổng hợp thông tin thị trường thường sẽ là cập nhật thông tin theo một form mẫu sẵn có của công ty thông qua các nguồn cố định. Hoặc nhiều lắm ta sẽ tự tìm hiểu, tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống như các cơ quan nhà nước, các trường đại học, viện chính quy…
– Bên cạnh đó sẽ là việc theo dõi và cập nhật các xu hướng mới nhất có hỗ trợ cho việc kinh doanh của công ty, các trends này thường sẽ có 2 dạng là trend ngắn hạn trên các mạng xã hội phục vụ cho việc lên nội dung trên Facebook là chính, và các megatrend có tầm ảnh hưởng rộng và về lâu dài. Các megatrend này thường được trích dẫn trong các báo cáo xu hướng thị trường từ các đơn vị uy tín như Sách trắng của Bộ Công Thương hay các báo cáo nghiên cứu thị trường từ Kantar World Panel hay Nielsen.
– Ngoài ra còn là việc thu thập và đánh giá hoạt động kinh doanh của đối thủ trong một khoản thời gian nào đó thường là trong Tháng, Quý, Năm. Ta có thể tìm được các thông tin này, từ các kênh truyền thông của họ như website, Facebook hoặc các báo cáo tài chính được công bố. Nếu đánh liều, ta có thể giả danh khách hàng gọi điện thoại để hỏi xin các thông tin cần thiết.
– Tiếp theo đó là phần tìm hiểu về hành vi, sở thích của đối tượng khách hàng mục tiêu, phần này ta có thể tìm hiểu nhanh nhất thông qua việc lên Facebook và vào các Page, Group để đọc và phân tích hành vi, sở thích của các nhóm này. Thêm nữa, ta cũng có thể làm các nghiên cứu ngắn bằng cách đi hỏi tầm 10 bạn có nhân khẩu học tương đồng nhóm đối tượng khách hàng.
Phần trên Teer để cho Team mình ứng phó khi phỏng vấn.
Còn trong CV, để ghi điểm được thì bạn nên để thêm các kinh nghiệm hoặc kỹ năng liên quan đến việc:
– Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
– Phân tích và đưa ra nhận định từ các thông tin sẵn có.
– Làm bảng câu hỏi và tiến hành, phỏng vấn thu thập dữ liệu.
2. Hỗ trợ các hoạt động branding trên Internet
Hỗ trợ quản lý các nền tảng mạng xã hội của công ty:
– Theo dõi và trả lời các câu hỏi từ khách hàng thông qua Messenger hoặc comment dưới bài đăng. Cái này thường sẽ theo kịch bản. Nếu công ty có sẵn hệ thống tự động thì ta sẽ đỡ copy paste mà chỉ tập trung trả lời các câu hỏi chuyên sâu.
– Đề xuất và soạn thảo nội dung các bài đăng (post) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Blog, Web. Các nền tảng đặc thù hơn như Instagram hoặc Youtube thì đa phần là hỗ trợ việc lên ý tưởng hoặc các tasks nhỏ được giao trong cả một khâu quay, dựng, chụp.
– Cuối cùng, và cũng hơi ít thấy là ta sẽ được tham gia vào việc lên plan từ ý tưởng đến thực thi và đánh giá kết quả của các chiến dịch branding trên mạng bao gồm đa kênh như website, mạng xã hội, cửa hàng thực tế…
Phần này hơi khoai, ta phải làm sao để tạo sự thu hút cho chiếc CV Marketing Intern của ta bây giờ?
Keyword ở đây sẽ là: Ý tưởng, Chiến dịch, Mạng xã hội
– Nếu bạn từng tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc có kinh nghiệm thực tiễn trong việc lên ý tưởng, hoạch định kế hoạch và phương thức thực hiện thì đây là lúc để thể hiện trong CV. Nhớ ghi cụ thể là công việc gì và ở đâu nhé.
– Về mạng xã hội thì sẽ là lợi thế nếu những mối quan tâm của bạn về mặt xu hướng, tin tức trong thói quen cập nhật thông tin từ mạng xã hội của bạn trùng với lĩnh vực công ty. Cái này có thể ghi ngắn gọn ở phần tự giới thiệu
3. Hỗ trợ các tasks khác theo yêu cầu
Phần này 100% các vị trí intern đều sẽ có đề cập đến. Và công việc hỗ trợ các task theo yêu cầu thì muôn hình vạn trạng. Trong đó, Teer có thể tổng hợp lại thành 3 nhóm chính””
– Hỗ trợ các tasks trong quá trình setup sự kiện công ty như kỷ niệm thành lập công ty, tham gia hội chợ triễn lãm hay đơn giản là tổ chức Noel.
– Hỗ trợ các công việc văn thư, giấy tờ hàng ngày như chuẩn bị hợp đồng, trình ký, soạn thảo các văn bản theo yêu cầu.
– Thực hiện các công việc nhỏ nhỏ không tên khác như photocopy, dọn dẹp văn phòng, giao bưu phẩm, hợp đồng cho đối tác…
Ở đây, đa phần công việc sẽ không đòi hỏi chuyên môn mà đánh sâu vào thái độ của ta đối với công việc, chính yếu ở 2 điểm: Chịu khó và Cẩn thận
Các hoạt động ngoại khóa hoặc việc làm thêm nào thể hiện được 2 điểm này đều đáng giá để vào CV Marketing intern của bạn nhé. Lưu ý là phải làm rõ được chịu khó và cẩn thận ở đâu trong các hoạt động hoặc việc làm thêm đó nhé.
II. Yêu cầu về con người:
1. Tốt nghiệp các chuyên ngành hoặc có kinh nghiệm liên quan
Key word ở đây là LIÊN QUAN, trong thực tiễn ta sẽ có 2 dạng liên quan
– Dạng 1: thường hay gặp nhất, là các CV Marketing Intern từ các bạn tốt nghiệp các chuyên ngành về Kinh tế, Marketing, và tất nhiên ta cũng sẽ không có gì để đào sâu hơn ở đây.
Tuy nhiên, trường hợp ta vẫn muốn nộp vào vị trí này nhưng lại tốt nghiệp từ một ngành khác thì phải làm sao bây giờ?
Đó là một bất lợi nhưng đồng thời cũng là một lợi thế không nhỏ của các bạn.
– Dạng 2: liên quan một cách chủ động, nghĩa là ta sẽ cố gắng làm cho background của ta liên quan đến vị trí Marketing intern cần nộp thông qua 2 bước.
Bước 1: theo học 1 khóa marketing cơ bản ở các trung tâm uy tín. Các khóa học thường kéo dài tầm 2-3 tháng, đủ sức trang bị cho bạn các kiến thức nền tảng về marketing. Đa phần các giảng viên đều là những người đã đi làm và có kinh nghiệm thực tế trong ngành, nên các kiến thức sẽ bao gồm cả lý thuyết và các áp dụng trong thực tiễn. Bạn có thể nghiên cứu các trung tâm như AIIM, FPT hoặc học Online trên Unica.
Bước 2: chọn công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành của bạn. VD: bạn học thủy sản có thể chọn các công ty chế biến và xuất khẩu thủy hải sản.
Lúc này lợi thế của bạn là hiểu và nắm nhanh sản phẩm công ty từ đó có thể diễn giải hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động marketing, giúp các chiến dịch thể hiện được sát hơn và hiệu quả hơn USP (Unique Selling Point) của công ty.
2. Có các thái độ tích cực
Phần này tương đối cảm tính, bạn cần làm sao thể hiện được các thái độ tích cực thông qua chiếc CV Marketing Intern của mình.
Việc thể hiện này thường được thực hiện qua 2 cách:
– Phần tự giới thiệu: 3 cá tính bạn nhất thiết phải thể hiện được trong phần tự giới thiệu Can-do, Chủ động và Chịu khó.
– Bố cục và cách thức trình bày CV: ngắn gọn, súc tích và liên quan trực tiếp đến công việc đang nộp. Tuyệt đối KHÔNG sử dụng 1 CV để nộp cho nhiều công ty mà không có những điều chỉnh tương ứng.
3. Các kỹ năng mềm & Tiếng Anh
Nút thắt của hầu hết các bạn có lẽ là Tiếng Anh, nếu bạn thật sự muốn nộp đơn vào các công ty lớn. Chắc chắn là như vậy. Hầu hết yêu cầu sẽ là TOEIC 700+. Lý tưởng nhất là TOEIC 800+ hoặc IELTS 6.0
Vậy nên, ta càng chuẩn bị sớm chừng nào, lợi thế càng lớn chừng đó.
Tiếp theo là các kỹ năng mềm, CV của bạn sẽ rất rất SÁNG nếu bạn vững Excel, Word, Power Point. Tuyệt vời hơn nếu bạn biết dùng các phần mềm thiết kế như Photoshop hoặc đơn giản như Canva là đủ.
LỜI KẾT:
Những hướng dẫn ở trên sẽ giúp các bạn lọt được vào Top 20% CV sáng giá nhất, đủ cho một cuộc gọi mời phỏng vấn.
Chúc bạn sẽ thành công ở vị trí Marketing Intern trong công ty mình mong muốn nhé.
Các bài Decode Tuyển dụng tiếp theo:
Decode Tuyển dụng #1: Trade Marketing – CV thế nào là matched?
Decode tuyển dụng #3: CV Sale 2022 – Để đc gọi phỏng vấn liền cho cv nhân viên bán hàng?
1 CLICK QUẢNG CÁO BÊN DƯỚI, GOOGLE SẼ TÀI TRỢ DUY TRÌ WEB TỤI MÌNH.
Nhờ Team Click Quảng Cáo + Tắt Ngay Là Được. Teer Cảm Ơn Team Nhiều. ⤵️⤵️⤵️