Phiên bản update liên tục các thuật ngữ Marketing phổ biến hay được dùng.
Team có từ nào mới nhớ gởi Teer update qua Facebook của “nhà” nhé: Facebook.com/mkteerVN
Tip: nếu bạn đã biết từ cần tìm, nhớ nhấn tổ hợp phím [ CTRL + F ] gõ từ vào để tìm nhanh nhé.
“A/B testing” là gì?
A/B testing hiểu đơn giản là việc đưa ra ngẫu nhiên 1 trong 2 mẫu, có thể là sản phẩm, mẫu thiết kế, website, app…, để theo dõi sự khác nhau về mặt hành vi khách hàng giữa 2 mẫu. Thường gặp nhất của A/B testing là dạng 50/50 split test, trong đó sẽ show ngẫu nhiên mẫu A cho phân nửa số người và ngẫu nhiên mẫu B cho phân nửa còn lại.
“ABC analysis” là gì?
Trong thuật ngữ marketing / sale, ABC analysis là cách saleman phân loại tệp khách hàng để lên kế hoạch bán hàng hiệu quả nhất. A là các đối tác tiềm năng nhất cả về giá trị lẫn khả năng chốt đơn, C là đối tác ít tiềm năng nhất.
“ATL – Above the line marketing” là gì?
ATL hay Above-the-line là thuật ngữ bắt nguồn từ P&G, cha đẻ của dầu gội Head & Shoulder, vào năm 1954, để chỉ các hoạt động marketing truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như TV, radio… nhằm hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng với mục đích chính là tăng nhận biết thương hiệu, hoặc quảng bá hình ảnh thương hiệu.
“Absolute advantage” là gì?
Lợi thế tuyệt đối là lợi thế của một quốc gia có thể cung cấp một loại hàng hóa, nguyên vật liệu nào đó với giá thấp hơn nước khác. Có thể hiểu tương tự cho quy mô công ty, doanh nghiệp.
“Accelerated development” là gì?
Thuật ngữ marketing hay hiểu là Tăng tốc đổi mới, sáng tạo. Là việc đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm mới bằng cách ép tiến độ, loại bỏ một số bước không cần thiết, giảm thiểu thời gian ra quyết định ở mỗi khâu…
“Account executive” là gì?
Trong thuật ngữ marketing, Account nghĩa là đối tác, khách hàng. Account executive là người có nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng, là cầu nối gắn kết các phòng ban khác nhau trong công ty hoặc agency để thực hiện yêu cầu của khách hàng.
“Account management” là gì?
Account management bao gồm hai nhiệm vụ chính:
– Duy trì và củng cố mối quan hệ giữa công ty và khách hàng.
– Hỗ trợ và tư vấn khách hàng khi có yêu cầu, nhằm giúp họ đạt được kết quả tối ưu nhất.
“Accountability” là gì ?
Trong thuật ngữ marketing, Accountability hay Marketing accountability là việc ràng buộc các hoạt động marketing vào trách nhiệm mang lại doanh thu của doanh nghiệp; bằng cách áp dụng các chỉ số đo lượng hiệu suất đầu tư của các hoạt động này, như Return on Marketing Investment (ROMI)…
“Acquisition” là gì ?
Hay được dịch ra là Thâu tóm. Bên cạnh đó, Acquisition khi được dùng trong ngữ cảnh cụ thể cũng có thể hiểu là doanh nghiệp này giành được gì đó của doanh nghiệp kia, như nhà phân phối, khách hàng, bản quyền sản phẩm…
“Activation” là gì ?
Trong thuật ngữ marketing, Activation hay Market activation là hoạt động hướng đến tạo nhận biết thương hiệu và tăng độ gắn kết giữa thương hiệu với người tiêu dùng, thông qua các chiến dịch marketing mang thương hiệu đến nơi của người tiêu dùng như chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại…
“Active listening” là gì ?
Hay dịch ra là Chủ động lắng nghe, là một phương pháp giao tiếp sử dụng trong nghiên cứu định tính (Indepth interview, Focus Group…), trong đó phỏng vấn viên sẽ tập trung lắng nghe, tạo tương tác và đào sâu vào các câu trả lời của đáp viên để thu thập được nhiều thông tin nhất có thể.
“Ad blocking” là gì ?
Nếu như Ad là quảng cáo thì Ad blocking là hành động ngăn chặn các quảng cáo xuất hiện trên các trang mạng hay trình duyệt.
“Ad group” là gì?
Ad group là một tập hợp các quảng cáo cùng chung chủ đề, từ khóa của cùng một chiến dịch marketing.
“Advertising campaign” là gì?
Dịch ra là Chiến dịch marketing, là một tập hợp của các hoạt động cụ thể kết nối với nhau theo một trình tự định sẵn, có cùng chủ đề để quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ.
“Affiliate marketing” là gì ?
Thuật ngữ marketing hay gọi là Tiếp thị liên kết, hiểu nôm na là việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ thông qua một đơn vị trung gian. Chi phí được trả theo dạng % hoa hồng trên doanh thu.
“B2B – Business to Business” là gì?
B2B là loại hình kinh doanh nhắm đối tượng khách hàng cũng là các doanh nghiệp hoặc đại lý phân phối; không trực tiếp nhắm đến người tiêu dùng cuối cùng.
“B2C – Business to consumer” là gì?
Là loại hình kinh doanh nhắm đến đối tượng khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
“Backdoor selling” là gì?
Trong thuật ngữ Sale, Backdoor selling chỉ chung tất cả các mánh khóe nhằm thu thập (đôi khi phi pháp) thông tin có lợi cho đàm phán.
Trong thuật ngữ marketing, Backdoor selling là chỉ hoạt động bán thẳng hàng hóa cho người tiêu dùng của các đại lý phân phối, thay vì bán cho các cửa hàng, hay chuỗi bán lẻ. Điều này vô hình chung ảnh hưởng mặt bằng giá sản phẩm cũng như làm rối loạn chiến lược bán hàng của các công ty.
“Bait advertising” là gì?
Dịch ra là Quảng cáo mồi, quảng cáo không nhằm mục đích bán sản phẩm trong đó mà nhằm để thu hút sự quan tâm của khách hàng để hướng họ sang mua một sản phẩm khác. Điều này rất hay gặp ở các quảng cáo bất động sản, nhất là từ giới cò đất.
“Balanced scorecard” là gì?
Là mô hình quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đặt trọng tâm vào chiến lược, tầm nhìn dài hạn và ROI.
“Balance sheet” là gì?
Là tổng hợp tại một thời điểm thống kê tình hình tài sản, các khoản nợ và vốn của một công ty tại thời điểm đó.
“Baseline metrics” là gì?
Là các số liệu dùng để đo lường hiệu suất kinh doanh, thường là giá trị trung bình trong quá khứ của các Chỉ số cần theo dõi. Tùy mục đích, baseline cũng có khi là các mục tiêu được đề ra sẵn.
“Benefit chain” là gì?
Thường được đề cập như một loại hình nghiên cứu thị trường để xác định mối tương quan giữa các lợi ích sản phẩm đem lại với hành vi của người tiêu dùng. VD: người tiêu dùng thích sản phẩm vì A, B, C nhưng lại mua nó vì C, D.
“Benchmark” trong thuật ngữ marketing là gì?
Là mốc so sánh để xác định đâu là điểm mạnh, yếu của công ty/ thương hiệu cũng như độ mạnh yếu thế nào. Mốc có thể đối thủ hay KPIs.
“Black swan” là gì?
Thuật ngữ marketing hay dịch là “Thiên nga đen” dùng để chỉ các sự kiện tài chính khó lường và không dự đoán trước được.
“Bond” là gì?
Là thỏa thuận vay tiền theo lãi suất được thống nhất với nhà đầu tư, và được hoàn lại trong một khoản thời gian định trước. Bond còn có tên gọi khác là “Trái phiếu”. Trái phiếu chính phủ là một hình thức nhà nước huy động vốn từ dân có kèm lãi suất và trả lại sau khoản thời gian cụ thể, VD: 3 hay 5 năm.
“Bootstrapping’ trong thuật ngữ marketing là gì?
Boostrapping là việc khởi nghiệp dựa trên vốn tự dành dụm theo phương thức hoạt động tối ưu hóa tất cả chi phí có thể. Doanh thu gần như đơn thuần từ hoạt động bán hàng.
Trong thuật ngữ marketing, “A bootstrap” là một doanh nghiệp khởi nghiệp như thế.
“Brand asset” là gì?
Thuật ngữ marketing hay gọi là Tài sản thương hiệu, là tất cả các tài sản hữu hình (logo, slogan, bảng màu…) và vô hình (danh tiếng…) của một thương hiệu.
“Brand awareness” là gì?
Brand awareness dịch ra là Nhận biết thương hiệu, nôm na là việc người tiêu dùng có biết đến thương hiệu hay không.
“Business cycle” là gì?
Là xu xướng thị trường lên xuống, và có tính chất lặp lại theo quy luật chu kỳ.
“Brand choice” là gì?
Brand choice hay còn gọi là Brand preference là một loại hình nghiên cứu thị trường nhằm đo lường mức độ cạnh tranh của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Nó cho thấy trong cùng điều kiện về giá và sự hiện diện trên kệ hàng, khả năng người tiêu dùng lựa chọn 1 brand so với các brand đối thủ là như thế nào.
“Brand Development Index” là gì?
Brand Development Index hay còn viết tắt là BDI là chỉ số đo lường hiệu suất kinh doanh của brand trong tập khách hàng mục tiêu.
Công thức tính:
BDI = (Doanh số trên tập target / Số hộ gia đình tập target) / (Tổng doanh số / Tổng hộ gia đình) * 100
“Capital” là gì?
Là tiền chủ doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cho doanh nghiệp đó.
“Cash flow” là gì?
Là dòng tiền luân chuyển vào và ra khỏi doanh nghiệp. “Cash flow” âm là dấu hiệu cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đang đi xuống.
“Collateral” trong thuật ngữ marketing là gì?
Collateral dịch ra là vật thế chấp khi cần đi vay mượn.
Trong quá khứ, Collateral còn có nghĩa là các phương tiện hỗ trợ bán hàng như cẩm năng, tờ rơi…
“Commodity” là gì
Hiểu nôm na là tài sản, nghĩa là bất kỳ vật gì có thể mua hoặc bán. Trong hoạt động đầu tư, “commodity” có thể là vàng, dầu, hạt cà phê, đậu nành, chứng khoán…
“Consumer behavior” là gì?
Dịch ra là Hành vi tiêu dùng, bao quát suy nghĩ, hành động, cảm nhận của người tiêu dùng trong suốt hành trình mua hàng của họ; từ lúc tìm hiểu thông tin về sản phẩm đến lúc mua, sử dụng và đánh giá chất lượng sản phẩm.
“Consumer panel” là gì?
Có thể hiểu nôm na là Tập khách hàng đại diện, mà các công ty nghiên cứu thị trường thường dựa vào hành vi tiêu dùng của các khách hàng này để theo dõi sự thay đổi về mặt hành vi tiêu dùng của thị trường.
“Copyright” là gì?
Dịch ra là bản quyền hay quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp đối với một chủ thể (phát minh, bài hát, nghiên cứu khoa học…) hữu hình hay vô hình.
“Cross-selling” là gì?
Dịch ra là Bán chéo sản phẩm, là phương pháp bán hàng chủ động đề xuất và khuyến khích khách hàng mua những sản phẩm có liên quan hoặc có công dụng hỗ trợ, bổ sung cho sản phẩm chính khách hàng đã mua. VD: Teer có để nói khách hàng mua thêm gói phân bón chuyên dụng cho gói hạt giống hoa lan mà họ vừa mua.
“CSR – Corporate Social Responsibility” trong thuật ngữ marketing là gì?
Hiểu nôm na là một hình thức các công ty lồng ghép các chính sách về đạo đức, môi trường hay xã hội vào các chiến lược kinh doanh sản xuất của mình, nhằm thể hiện trách nhiệm của mình bằng những hành động cụ thể để giảm thiểu các tác động tiêu cực lên thế giới xung quanh. (Link)
“Depreciation” là gì?
Hay được dịch ra là Khấu hao, là những hao mòn của tài sản vật chất theo thời gian, thường là do sử dụng.
“Distribution channels” là gì?
Dịch ra là Kênh phân phối, là những kênh chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, dịch vụ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. VD: trong ngành hàng FMCG, sản phẩm thường đi qua đại lý, hoặc siêu thị rồi mới đến tay người tiêu dùng; Đại lý, Siêu thị là kênh trong chuỗi kênh phân phối.
“Disgusting moment” là gì?
Dùng để chỉ những khoảnh khắc gây phản cảm trong các videos quảng cáo.
“Diversification” là gì?
Là việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, dịch vụ của công ty bằng cách đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới vào. Đây cũng là một trong các chiến lược chính để quản trị rủi ro.
“Dividend” là gì?
Là khoản chia cổ tức từ công ty cho các cổ đông hàng năm.
“Economy of Scale” là gì?
Có thể hiểu là khoản lợi về chi phí cho doanh nghiệp khi mua hàng với số lượng lớn. Do đó, quy mô sản xuất của doanh nghiệp càng lớn càng dễ đạt được Economy of Scale hơn là các công vừa và nhỏ. (Link)
“Emotional branding” là gì?
Hay còn gọi là “Emotional marketing”, là một thuật ngữ marketing trong hoạt động truyền thông, hướng đến mục đích tạo sự đồng điệu về mặt cảm xúc, nguyện vọng giữa thông điệp truyền thông của thương hiệu và khách hàng hay người tiêu dùng. Như cái cách Dove làm trong chiến dịch truyền thông bên dưới đây:
“Equity” là gì?
Equity hay được dịch ra tiếng Việt là Vốn chủ sở hữu. Để dễ hiểu, Equity là số tiền còn lại sau khi ta thanh lý tất cả tài sản công ty kèm trả hết tất cả các khoản nợ. Vậy nên Equity còn là thước đo sức khỏe tài chính của một công ty.
“Export” là gì?
Là việc sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, sản phẩm ở một quốc gia sang một quốc gia khác.
“Fairtrade” là gì?
Dịch ra là Mậu dịch công bằng hay Thương mại công bằng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển tránh khỏi tình trạng bị chèn ép giá bởi các đối tác kinh doanh ở các nước phát triển.
“Financial management” là gì?
Quản lý tài chính là việc hoạch định, phân tích, quản trị, sắp xếp, đánh giá và kiểm soát các nguồn thu, chi của doanh nghiệp.
“Fiscal year” là gì?
Còn được gọi là năm tài chính. Năm tài chính khác nhau tùy từng quốc gia, cũng như từng doanh nghiệp. Từng doanh nghiệp có khoản năm tài chính riêng để tính thuế doanh nghiệp.
“Fixed cost” là gì?
Chi phí cố định hiểu nôm na là những khoản chi phí không thay đổi trong ngắn hạn và thường không phụ thuộc vào khối lượng sản xuất. VD: tiền thuê mặt bằng, lương, lãi suất…
“GDP – Gross Domestic Product” là gì?
GDP hay được dịch là Tổng sản phẩm quốc nội, bằng tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà nền kinh tế nội địa đó sản xuất được. Thường một nền kinh tế được xem là đang phát triển khi GDP quý này cao hơn quý trước, và ngược lại.
“GNP – Gross National Product” là gì?
GNP hay được gọi là Tổng sản phẩm quốc dân, là tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà công dân một quốc gia sản xuất được, bao gồm cả những công dân sinh sống làm việc ở nước ngoài.
“Hedge fund” là gì?
Là một loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên hướng đến những công ty bảo hiểm hoặc những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc điểm của những quỹ dạng này là thường đầu tư ngược hướng thị trường, kèm những yêu cầu ký quỹ đầu vào rất cao.
“HUT – Home use test” là gì?
Home use test là một phương pháp nghiên cứu thị trường được dùng để tìm hiểu thái độ, hành vi của người tiêu dùng khi sử dụng một sản phẩm nào đó. Sản phẩm sẽ được đặt tại nhà để người tiêu dùng sử dụng và đánh giá.
“Hyperinflation” là gì?
Hyperinlfation là tình trạng siêu lạm phát thường diễn ra trong thời điểm chiến tranh hay bất ổn chính trị. Đặc điểm nhận biết là chỉ số lạm phát tăng phi mã và mất kiểm soát.
“Import” là gì?
Là việc mua một sản phẩm, dịch vụ từ một nước khác về bán lại trong nước.
“Income statement” là gì?
Hay được dịch ra là Báo cáo kết quả kinh doanh, là bản tổng hợp tất cả nguồn thu nhập và chi phí của công ty từ đó tính ra được lợi nhuận ròng (Net profit).
“Inflation” là gì?
Inflation là lạm phát, chỉ tình trạng vật giá tăng lên so với khoản thời gian trước.
“Influencer marketing” là gì?
Influencer marketing thường gặp là các hoạt động marketing trên mạng xã hội có nhờ đến sự ủng hộ, quảng bá của những người có sức ảnh hưởng, có tiếng nói trong một cộng đồng nào đó.
“Insider trading” là gì?
Chỉ hành động đầu tư chứng khoán dựa trên việc biết trước các thông tin mật chưa được công bố. Việc đầu tư như thế được xem là phạm pháp.
“Insolvency” là gì?
Insolvency là Vỡ nợ, hay chỉ tình trạng tổng nợ lớn hơn tổng tài sản công ty.
“Institutional investor” là gì?
Có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chuyên môn về quản lý tài sản và đầu tư. Họ chuyên thay mặt các nhà đầu tư cá nhân giàu có.
“Intellectual property” là gì?
Dịch ra là sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu một phát minh của một cá nhân hay tổ chức. Quyền này có thể mua, bán hoặc cho thuê.
“KPI – Key Performance Indicator” là gì?
Có thể hiểu là các chỉ tiêu được thiết lập và lượng hóa để đo lường khả năng đạt được mục tiêu đề ra của một dự án/ công ty, và cần cải thiện ở đâu.
“Leveraged buyout” là gì?
Là việc mua lại một công ty bằng hầu hết tiền vay nợ. Khoản nợ đó được thế chấp bằng tài sản công ty vừa mua và trả dần cũng bằng nguồn thu từ công ty đó.
“Libor rate” là gì?
Lãi suất Libor là lãi suất chuẩn mà tại đó các ngân hàng toàn cầu lớn cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng quốc tế đối với các khoản vay ngắn hạn. Lãi suất này dựa trên 5 đồng tiền lớn USD, Euro, Bảng Anh, Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ.
“Liquid asset” là gì?
Dịch ra là Tài sản lưu động, nói nôm na là những dạng tài sản dễ dàng được chuyển đổi thành tiền mặt. VD: vàng, chứng khoán…
“Liquidity” là gì?
Được gọi là Tính thanh khoản là mức độ dễ dàng để chuyển đổi tài sản một công ty sang tiền mặt.
“Macroeconomics” là gì?
Dịch ra là Kinh tế vĩ mô, vốn tập trung vào việc đơn giản hóa và giải thích sự biến đổi của cả nền kinh tế.
“Margin” là gì?
Trong thuật ngữ marketing có thể hiểu là tỷ lệ % lợi nhuận trên doanh thu. Đây là chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doạnh. Margin có thể được so sánh theo thời gian hoặc với đối thủ cạnh tranh.
“Market segmentation” là gì?
Dịch ra là Phân khúc thị trường, là hành động phân khúc khách hàng thành nhiều tập nhỏ có chung một đặc điểm nào đó (tuổi, giới tính, vùng…); đặc điểm đó trực tiếp ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của họ.
“Market share” là gì?
Dịch ra là thị phần, thị phần thay đổi tùy theo góc độ ta muốn nhìn thị trường. Ví dụ: thị phần về doanh số, thị phần về nhận biết thương hiệu, thị phần về số lượng sản phẩm bán ra…
“Marketing mix” là gì?
Là phương pháp phân tích các nhân tố quan trọng trong marketing để từ đó ra các giải pháp giúp tăng doanh số. phổ biến nhất là mô hình 7Ps: Product, Price, Promotion, Place, People, Process, Physical evidence.
“Media planning” là gì?
Hay được dịch ra là Lập kế hoạch truyền thông, là việc xác định một cách có chiến lược các yếu tố chính giúp đạt KPIs của dự án truyền thông như thời gian, kênh, vị trí, tần suất để chạy quảng cáo.
“Microeconomics” là gì?
Dịch ra là Kinh tế vi mô, ngược với Kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô tập trung nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, công ty…
“Mood board” là gì?
Mood board là một công cụ hay dùng bên lĩnh vực thiết kế, là một bảng khổ lớn đính nhiều hình ảnh, màu sắc, chú thích để làm sinh động và minh họa cho một ý tưởng. Tương tự, Mood board cũng được sử dụng trong nghiên cứu thị trường khi cần tìm hiểu ý kiến, thái độ của người tiêu dùng về một sản phẩm, thương hiệu hay ý tưởng mới.
“Multi-level marketing” là gì?
Trong thuật ngữ marketing, có thể hiểu là mô hình hoạt động theo hướng khuyến khích các nhân viên hiện tại vừa BÁN SẢN PHẨM cho khách hàng vừa hỗ trợ tuyển cộng tác viên/ nhân viên mới cho công ty. Ngoài các khoản thu nhập cá nhân, công ty sẽ trả thêm một phần hoa hồng cho người đó dựa trên doanh số bán sản phẩm của cộng tác viên/ nhân viên người đó tuyển được. (Link)
“National insurance” là gì?
Dịch ra là Bảo hiểm xã hội, là khoản bảo hiểm bắt buộc người đi làm phải trả.
“Net asset value” là gì?
Dịch ra là Giá trị tài sản thuần, đây là một chỉ số đo lường độ tin cậy của một dự án đầu tư, bằng độ chênh lệch giữa tổng giá trị tài sản và tổng nợ doanh nghiệp sắp nhận đầu tư.
“Niche market” là gì?
“Niche market” hiểu nôm na là một phân khúc ngách trong một thị trường lớn. Các sản phẩm trong đó chuyên phục vụ nhu cầu khác biệt của một tập khách hàng giới hạn. (Link)
“Nominal interest rate” là gì?
Hay được dịch ra là lãi suất danh nghĩa, là mức lãi suất trước khi được điều chỉnh theo lạm phát.
“Oligopoly” là gì?
Nếu monopoly là độc quyền, một công ty chiếm hầu hết thị phần thị trường. Thì Oligopoly hay được thuật ngữ marketing định nghĩa là tình trạng một nhóm các công ty, tập đoàn nắm gần như toàn bộ thị trường.
“Operating profit/ loss” là gì?
Là lợi nhuận hay khoản lỗ của hoạt động kinh doanh, tính bằng độ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong quá trình kinh doanh.
“Overheads” là gì?
Trong thuật ngữ marketing, hay được dịch ra là Chi phí gián tiếp hay Chi phí chìm, là các khoản phí cố định trong ngắn hạn, không phụ thuộc vào chi phí sản xuất. VD: chi phí mặt bằng, quảng cáo…
“Patent” là gì?
Patent là Bằng sáng chế, là văn bản pháp lý công nhận quyền sở hữu, sử dụng hoặc bán một phát minh nào đó.
“PayE” là gì?
PayE là viết tắt của thuật ngữ “Pay as you Earn”, hình thức doanh nghiệp thu trực tiếp thuế thu nhập cá nhân từ lương nhân viên thay chính phủ.
“Philanthropy” là gì?
Dịch ra là hoạt động từ thiện. Nếu làm với danh nghĩa Doanh nghiệp và đi kèm các hoạt động truyền thông thì đó là CSR, một thuật ngữ marketing, còn nếu làm với danh nghĩa cá nhân và không đi kèm hoạt động truyền thông thì sẽ đơn thuần là hoạt động từ thiện.
“Present value” là gì?
Dịch ra là Giá trị hiện tại, thường dùng để xác định tổng giá trị tiền mặt công đang nắm giữ so với một thời điểm trong tương lai sẽ có chênh lệch thế nào, thường là do các yếu tố lãi suất.
“Price elasticity” là gì?
Thuật ngữ marketing hay gọi “Price elasticity of Demand” là Độ co giãn về giá, nó lượng hóa được phản ứng của người tiêu dùng hay khách hàng đối với sự thay đổi về giá sản phẩm, dịch vụ. Thường đo lường dựa trên biến động doanh số trên một đơn vị giá thay đổi (tăng hoặc giảm).
“Private limited company” là gì?
Dịch ra là Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, là loại hình doanh nghiệp có không quá 50 thành viên cùng góp vốn thành lập. Công ty và chủ sữa hữu công ty là hai thực thể pháp lý tách biệt với nhau.
“Privatisation” là gì?
Là quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước.
“PPI – Producer price index” là gì?
Là Chỉ số giá sản xuất hay còn gọi là Chỉ số giá bán của nhà sản xuất, phản ánh mức biến động của giá bán trực tiếp từ nhà sản xuất, dựa trên biến động giá từ tất cả các khâu của quá trình sản xuất. VD: sản phẩm A được làm ra từ 3 nguyên liệu đầu vào B, C, D; giá B tăng, giá C giảm, giá D giữ nguyên sẽ dẫn đến biến động giá bán trực tiếp sản phẩm A từ nhà sản xuất.
“Product positioning” là gì?
Thuật ngữ marketing hay dịch ra là Định vị sản phẩm, là việc xác định thị trường chính của sản phẩm nhằm phục vụ đối tượng khách hàng nào, đáp ứng được nhu cầu gì của họ. Trong thị trường đó, sản phẩm của ta có điểm nào nổi bật hơn đối thủ để từ đó xây dựng và đổ bê tông được những điểm mạnh đó trong tâm trí khách hàng.
“Prospecting” là gì?
Có thể hiểu là Tìm kiếm đối tác tìm năng, đây là bước đầu tiên trong hoạt động bán hàng, mô tả việc tìm kiếm, khảo sát, sàng lọc để định vị được đâu là đối tác tiềm năng.
“Qualitative research” là gì?
Dịch ra là phương pháp Nghiên cứu định tính, là thu thập, phân tích và diễn giải các dữ liệu không phải dạng số, thường là lời nói; để trả lời các câu hỏi nghiên cứu được đề ra từ trước.
“Quantitative easing” là gì?
Thuật ngữ marketing hay gọi là Nới lỏng định lượng, là cách Nhà nước làm giảm gánh nặng lên khối ngân hàng trong các tình huống khủng hoảng. Thông qua việc mua vào trái phiếu từ các ngân hàng hay khối ngành thương mai, Nhà nước sẽ đảm bảo các đơn vị này vẫn có đủ lượng tiền mặt để duy trì hoạt động.
“Quantitative research” là gì?
Dịch ra là Nghiên cứu định lượng, là việc lượng hóa và tập trung phân tích các dữ liệu thu thập được từ các cuộc thăm dò ý kiến (polls), khảo sát (survey), các bảng câu hỏi hoặc cũng có thể là các dữ liệu được thu thập từ trước, bằng các phương pháp phân tích.
“Quota” là gì?
Dịch ra là Hạn ngạch, là giới hạn tối đa Nhà nước cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu một mặt hàng nào đó.
“Rate of return” là gì?
Hay được dịch ra là Tỷ suất lợi nhuận, Tỷ lệ hoàn vốn hoặc Tỷ lệ lợi tức là khoản thu nhập hàng năm mà một hoạt động đầu tư mang lại.
“Reason to believe” là gì?
Hay còn được viết tắt là RTB, Reason to believe trong thuật ngữ marketing được hiểu là các lý do giúp người tiêu dùng tin là brand sẽ làm được những gì họ đang truyền thông. VD: Wakeup247 giúp tỉnh táo nhờ có cà phê.
“Recession” là gì?
Dịch ra là Suy thoái, là giai đoạn nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, nhận biết qua việc sụt giảm GDP trong 6 tháng liên tục hoặc lâu hơn.
“Resilience” là gì?
Trong thuật ngữ marketing, Resilience là chỉ số đại diện cho khả năng doanh nghiệp có thể hồi phục và phát triển sau các biến cố, khủng hoảng.
“Retail audit” là gì?
Hay được dịch ra là Nghiên cứu đo lường bán lẻ, là một phương pháp nghiên cứu tập trung đo lường tình hình kinh doanh của các thương hiệu ở các cửa hàng hoặc chuỗi bán lẻ, như tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
“ROI – Return on investment” là gì?
ROI dịch ra là Tỷ suất hoàn vốn hay Tỷ lệ thu hồi vốn, lượng hóa được mức độ sinh lời của một tài sản hoặc hoạt động kinh doanh dựa trên tỷ lệ giữa Lợi nhuận thuần chia Chi phí vận hành. Dựa trên đó doanh nghiệp có thể quyết định liệu hoạt động kinh doanh đó có đủ lời để tiếp tục hay không.
“Revenue” là gì?
Dịch ra là Doanh thu, là khoản tiền doanh nghiệp nhận được trực tiếp thông qua việc bán sản phẩm, dịch vụ.
“SMEs” là gì?
SMEs là viết tắt của cụm từ “Small and medium-sized enterprises”, doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 nhân viên) và vừa (dưới 250 nhân viên). Doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 nhân viên) cũng được tính vào đây.
“Social enterprise” là gì?
Dịch ra là doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp có mục tiêu chính là hỗ trợ giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội của địa phương (hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho phụ nữ…) thông qua hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình.
“Stakeholders” là gì?
Hay được dịch ra là Các bên liên quan, là các cá nhân, tổ chức có liên quan mật thiết đến doanh nghiệp hoặc một hoạt động của doanh nghiệp; đặc biệt trong các dự án liên doanh.
“Storyboard” là gì?
Là một Bảng vẽ bao gồm các hình ảnh và chú thích diễn tả một câu chuyện, thường là lời thoại và kịch bản cho một video.Trong thuật ngữ marketing, Storyboard chỉ bản thiết kế kèm kịch bản của các clip quảng cáo. Các bản thiết kế này sẽ được dùng để lấy ý kiến của người tiêu dùng trước khi dựng thành clip thật. (Link)
“Supply chain” là gì?
Dịch ra là Chuỗi cung ứng, là tập hợp các nhân tố, nguồn lực khác nhau phục vụ quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa.
“Sustainability” là gì?
Trong thuật ngữ marketing là Sự bền vững, chỉ việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có chọn lọc để giảm thiểu tối đa tác động có hại lên môi trường.
“Shareholder” là gì?
Hay dịch là Cổ đông, là cá nhân hoặc chủ thể nắm giữ lượng đáng kể cổ phần trong một doanh nghiệp.
“Takeover” là gì?
Dịch ra là Hoat động thôn tính, là việc mua lại hoặc giành quyền kiểm soát một công ty từ một công ty khác.
“Tipping Point” trong thuật ngữ marketing là gì?
Trong marketing, Tipping point thường là thời điểm một sản phẩm ngách mới được người tiêu dùng chấp nhận và tiến thêm một bước trở thành một ngành hàng mới; hay một hành động, sự kiện được nhiều người chia sẻ trên mạng đủ để nó trở thành một Trend. (Link)
“Trade balance” là gì?
Hay được dịch ra là “Cán cân thương mại”, thể hiện chênh lệch về mặt giá trị giữa nhập khẩu và xuất khẩu của một nền kinh tế, thường tính trên hàng hóa, sản phẩm bằng vật chất.
“Trade show” là gì?
Thuật ngữ marketing hay gọi là Triển lãm thương mại hay Hội chợ thương mại, thường là hình thức các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực trưng bày, quảng bá các sản phẩm mới của họ để tìm kiếm khách hàng hoặc đối tác.
“Trade surplus” là gì?
Dịch ra là Thặng dư thương mại, là tình trạng khi cán cân thương mại dương, hay giá trị xuất khẩu nhiều hơn giá trị nhập khẩu.
“Trademark” là gì?
Trademark là các yếu tố cấu thành thương hiệu (logo, tên, slogan) đã đăng ký và được bảo hộ bản quyền bởi luật sở hữu trí tuệ. Trademark thường xuất hiện dưới dạng biểu tượng “TM” hoặc ® trên bao bì sản phẩm.
“TBL – Triple bottom line” là gì?
Hiện vẫn chưa có thuật ngữ tiếng Việt phổ biến cho mô hình TBL. Mô hình đại diện cho 3 yếu tố Con người – Hành tinh – Lợi nhuận (People – Planet – Profit). Do xã hội ngày càng chú trọng yếu tố phát triển bền vững, nên dần dà ngoài yếu tố lợi nhuận, sự thành công của một doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh còn được đánh giá dựa trên tác động tích cực của nó lên môi trường và cộng đồng nơi đó.
“Turnover” là gì?
Là doanh thu tổng của một hoạt động kinh doanh trong một giai đoạn cụ thể nào đó.
“U&A – Usage & Attitude” là gì?
U&A là một loại hình nghiên cứu thị trường dùng để lấy ý kiến của người tiêu dùng về việc sử dụng sản phẩm cũng như như nhận xét của họ về sản phẩm đó.
“USP – Unique Selling Point” là gì?
Là ưu điểm nổi trội nhất để khách hàng chọn sản phẩm/ dịch vụ của công ty thay vì đối thủ. USP chỉ nên có 1 cái chính và tối đa thêm 1 cái phụ.
“Venture capital” là gì?
Hay dịch ra là Vốn đầu tư mạo hiểm, là nguồn vốn chuyên dùng đầu tư vào các dự án có rủi ro cao, thường là các dự án khởi nghiệp.
“Webrooming” là gì?
Vui vui, Teer nghĩ:
“Webrooming = Web + Brooming”
Từ đó, ta có thể hiểu nôm na Webrooming hành vi khách hàng google một sản phẩm nào đó rồi mới quyết định ra tiệm mua nó. (Link)
“Working capital” là gì?
Dịch ra là Vốn lưu động, là nguồn vốn doanh nghiệp có sẵn để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh sản xuất hàng ngày.
“Work-life balance” là gì?
Dịch ra là Cân bằng công việc/ cuộc sống, thường là cách một người dùng để cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và cho cuộc sống cá nhân.
“Yield” là gì?
Trong thuật ngữ marketing hay đầu tư, Yield hay được dịch ra là Lợi suất đầu tư, được tính bằng cách lấy phần lợi nhuận đạt được chia cho giá trị vốn đầu tư ở thời điểm hiện tại.