Site icon MARKETING RESEARCH in LIFE

Nghiên cứu thị trường ngách – Tổng hợp 5 bước xác định ngách đúng với BẠN

mkteer.vn niche market 1

Thị trường ngách nào cho ta?

Việc biến đam mê thành công cụ có thể giúp ta kiếm được tiền rồi lấy tiền đó tiếp tục phát triển đam mê, luôn là một mục tiêu phấn đấu của rất nhiều người trong chúng ta.

Rào cản đầu tiên và cũng là to nhất là việc xác định đúng ta sẽ bán “đam mê” của mình ở đâu.

Tất nhiên, không phải ai ta cũng bán, đâu ta cũng có thể bán, vì chỉ có một bộ phận người đồng điệu với đam mê của ta và số còn lại thì không. Vậy nên có một câu Teer vẫn nhớ hoài:

“The result when you try to sell to everyone is that you sell to no one”

Tạm dịch là khi ta cố gắng bán hàng cho tất cả những người mà ta gặp thì cũng là lúc ta sẽ không bán được cho ai. Lý do đơn giản là sản phẩm ta lúc đó đã “tạp” rồi và không thể đáp ứng được nhu cầu cụ thể của bất kỳ khách hàng nào.

Vậy nên nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm ra ai sẽ hứng thú với sản phẩm của ta và có ý định mua nó. Hay ta thường dùng thuật ngữ “Thị trường ngách” (Niche market).

1. Thị trường ngách

Thị trường ngách hiểu nôm na là một phân khúc riêng trong một thị trường lớn. Các sản phẩm trong đó chuyên phục vụ nhu cầu khác biệt của một tập khách hàng giới hạn.

VD: dầu gội trị hói đầu là một niche market của thị trường sản phẩm chăm sóc tóc; thời trang cosplay là niche market của cả một thị trường thời trang rộng lớn

Tại sao lại là Thị trường ngách?

Có rất nhiều lý do tại sao ta lại bắt đầu từ thị trường ngách, Teer chọn ra 3 lý do chính yếu nhất là:

1. Mức độ cạnh tranh không cao, ít nhất là giai đoạn đầu, và tăng dần khi ngách của ta lớn lên. Điều này đồng nghĩa với cơ hội có được những khách hàng đầu tiên cũng dễ hơn và chi phí duy trì khách hàng rẻ hơn. Nó cũng giúp ổn định dòng tiền, điều tối quan trọng trong kinh doanh, nhất là giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.

2. Dễ định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Trong một thị trường ngách, các thương hiệu chủ yếu tạo sự khác biệt dựa trên sản phẩm và các công dụng mà sản phẩm họ mang lại. Chính sự cụ thể, rõ ràng đó sẽ giúp gợi nhớ chính xác thương hiệu khi khách hàng cần mua một sản phẩm nào đó.

Điều này cũng sẽ giúp ta tiết kiệm được đáng kể chi phí xây dựng hình ảnh thương hiệu để tập trung vào phát triển sản phẩm.

3. Không có yêu cầu cao về vốn khởi nghiệp. Trong những phân khúc đã phát triển, khách hàng đa phần đã quen với các thương hiệu lâu đời trong phân khúc đó, để có thể tồn tại và cạnh tranh, các thương hiệu mới đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều trong giai đoạn đầu cho các hoạt động quảng bá thương hiệu, khuyến mãi…

Chọn đúng thị trường ngách sẽ giúp ta thoát khỏi áp lực đó.

2. 5 bước Nghiên cứu thị trường ngách

5 bước này Teer sẽ chia thành 2 giai đoạn chính xoay quanh 2 nhóm đối tượng ‘Con người’ và ‘Thị trường’

2.1 Con người là trọng tâm nghiên cứu

Bước 1: Xác định lại ta sẽ kinh doanh gì

Cái mà ta muốn dùng để kiếm ra tiền là cái sẽ đem lại cho ta niềm vui khi dành một ngày 16 tiếng cho nó. Cũng là cái mà ta làm giỏi nhất, không có một trong.

Cầm cây viết lên và trả lời giúp Teer, viết ra càng nhiều càng tốt:

1. Ta giỏi làm nhất là cái nào? Bà con, họ hàng, đồng nghiệp hay nhờ ta tư vấn hay làm giúp cái gì? – Viết hết ra GIẤY rồi gạch bỏ từ từ, đến khi trên tờ giấy chỉ còn đúng 1 cái.

2. Ta thường làm gì đến nỗi quên mất thời gian? – Ở đây ta có thể liệt kê ra 3 cái

3. Kỹ năng mềm nào ta tự tin nhất? – Viết hết ra GIẤY rồi gạch bỏ từ từ, đến khi trên tờ giấy chỉ còn đúng 1 cái.

Dựa vào câu trời cho 3 câu hỏi trên, ta chọn ra một sản phẩm (có thể là dịch vụ hoặc một sản phẩm cụ thể), vừa có thể để ta chăm chú làm quên thời gian, phát huy được chuyên môn ta giỏi nhất và tất nhiên là về sau sẽ có cơ hội cho ta vận dụng cái kỹ năng mềm ta giỏi nhất kia nữa.

VD: chuyên môn của Teer là về Nghiên cứu thị trường và Hoạch định chiến lược; Teer thích ngồi lắng nghe và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về Thị trường, Marketing, Công việc. Kỹ năng mềm Teer tự tin nhất là ‘coaching’.

-> Mkteer.vn ra đời từ đó, là nơi Teer có thể chia sẻ với Team về chuyện nghề, về kiến thức mới một cách trực quan và sinh động nhất.

Bước 2: Xác định đối tượng khách hàng

Đầu tiên ta quay lại với sản phẩm hoặc dịch vụ ta vừa tìm được ở trên:

– Liệt kê ra tất cả công dụng mà sản phẩm của ta đem lại cho khách hàng. Nếu có nhiều hơn 3, ta nên sàng lọc lại chỉ còn 3 công dụng chính.

– Các khách hàng nào sẽ thật sự cần mua sản phẩm vì 3 công dụng đó? Phác họa đối tượng khách hàng dưới dạng các thông tin về nhân khẩu học như Giới tính, Tuổi, Sở thích, Vùng miền, Nghề nghiệp nếu có.

Tiếp theo, Facebook là một kênh công cộng và miễn phí để ta có thể tìm hiểu về hành vi và nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng này.

Ví dụ như nhóm khách hàng của Teer là các bạn GenZ, cả nam và nữ, sinh viên năm cuối hoặc mới đi làm, trong các khối ngành dịch vụ, marketing, thì Teer chủ động theo dõi các Groups về GenZ trên Facebook, về Chia sẻ cuộc sống nơi văn phòng, công sở.

Để từ đó, Teer nắm được các bạn đó đang quan tâm chủ đề gì, văn phong thế nào, có cái nhu cầu nào mà hiện tại các Group chưa đáp ứng được hay không. Để từ đó ta có thể kiểm tra và điều chỉnh lại sản phẩm để phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn.

2.2 Đánh giá thị trường ngách

Bước 3: Ước lượng tiềm năng của thị trường ngách

Đây là bước then chốt quyết định ta có tiếp tục hay không bởi nếu thị trường chưa cho thấy nhu cầu về sản phẩm ta dự định kinh doanh thì ta có thể kịp thời chuyển hướng sang một sản phẩm khác.

Các công cụ hay được dùng để ước lượng nhu cầu thị trường ở giai đoạn này là:

Google Trend: công cụ này sẽ giúp ta nhìn qua trong ngắn hạn và trung hạn diễn biến nhu cầu tìm kiếm về các từ khóa sản phẩm liên quan, để xem nó đang tăng hay giảm.

Google Keyword Planner: sẽ giúp ta lượng hóa nhu cầu đó để xem bình quân hàng tháng có bao nhiêu lượt tìm kiếm các từ khóa này.

Trên 10.000 lượt tìm kiếm một tháng là con số khả thi để ta có thể tự tin đi tiếp và tất nhiên là Google Trend cũng cần cho thấy một đồ thị đang đi lên.

Bước 4: Tìm hiểu về các đối thủ cạnh tranh

Biết được ta đang cạnh tranh với ai là tiền đề để ta định ra các chiến lược kinh doanh đúng về lâu dài, có nên đối đầu trực diện hay là tránh cạnh tranh trực tiếp với họ.

Google vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên của ta, thử tìm kiếm từ khóa sản phẩm của ta để xem thị trường hiện tại đang có những đơn vị nào nổi bật. Và nếu, phát hiện thấy một hoặc hai công ty cực kỳ to trong khi số còn lại thì nhỏ xíu, thì ta phải thật cân nhắc trước khi quyết định nhảy vào một thị trường độc quyền như vậy, vì nó thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn.

Ngoài ra, ở Việt Nam thì các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki vẫn là những nơi lý tưởng để ta xem ngoài kia đang có những ai, bán những gì và mặt bằng GIÁ ra sao, nhu cầu như thế nào.

Đúng vậy, thông qua mục các sản phẩm bán chạy nhất của những shops nổi bật nhất ta hoàn toàn có thể nhìn ra nhu cầu thị trường đang nghiên về phía các sản phẩm nào.

Ngoài ra GIÁ cũng luôn là yếu tố then chốt, giá của ta phải thật sự cạnh tranh để thu hút khách hàng và phải đem lại cho ta lợi nhuận đủ lớn để có thể duy trì kinh doanh.

Một điểm lợi thế nhỏ, là ta cũng có thể tìm hiểu xem đối thủ đang có các hoạt động truyền thông, hoặc nội dung quảng bá sản phẩm thế nào. Từ đó tìm ra các chủ đề phù hợp để thu hút khách hàng.

Bước 5: thử nghiệm ý tưởng sản phẩm

Một số cách thử nghiệm ý tưởng sản phẩm ta có thể thử như sau:

1. Post ý tưởng sản phẩm dưới dạng 1 câu hỏi vào các Groups của tập khách hàng mục tiêu lên Facebook và đánh giá mức độ tương tác của Post đó cũng như ý kiến bên dưới.

2. Dùng Facebook tạo một quảng cáo về sản phẩm để xem thử có bao nhiêu khách hàng thật sự liên lạc để hỏi thêm về nó.

3. Cách cuối cùng là ta có thể làm một nghiên cứu thị trường nho nhỏ bằng cách hỏi những người có đặc điểm nhân khẩu học giống với đối tượng khách hàng mục tiêu rằng họ có sẵn sàng dùng thử sản phẩm hay không.

Nếu kết quả khả quan, ta cứ tự tin biến ước mơ thành hiện thực thôi.

Bài viết có tham khảo tư liệu từ Forbes.

Tổng hợp 6 bước tự làm Nghiên cứu thị trường trong Marketing

Thị trường mục tiêu 2022 – Gen Z là gì? 4Ps marketing mix, thị trường 5.3 tỷ USD

From Teer with love ♥


1 CLICK QUẢNG CÁO BÊN DƯỚI, GOOGLE SẼ TÀI TRỢ DUY TRÌ WEB TỤI MÌNH.

Nhờ Team Click Quảng Cáo + Tắt Ngay Là Được. Teer Cảm Ơn Team Nhiều. ⤵️⤵️⤵️

Exit mobile version